[tintuc]
Nỗi lo đánh mất cơ hội làm giàu khiến nhiều nhà đầu tư F0 lao vào các điểm nóng BĐS, tham gia cuộc săn đất trong cơn sốt giá thiếu suy xét. Hệ quả là khi thị trường hạ nhiệt, không ít người ôm đất ngồi tính đường thoát thân.
“Ôm đất” thành ôm "lửa"
“Chỉ trách mình tham” là lời tâm sự của anh Đoàn Văn Quyền, một nhà đầu tư F0 tại TP.HCM đang ôm cả nghìn m2 đất nông nghiệp tại Hớn Quản, không kịp ra hàng trước khi thị trường hạ nhiệt. Được biết thời điểm đầu tháng 3, anh Quyền theo làn sóng của các dân buôn cá mập đổ về Bình Phước săn đất trong cơn sốt sân bay Téc Níc Hớn Quản.
Dù bản thân anh hiểu rõ việc triển khai sân bay chỉ là đề xuất trên giấy nhưng với tâm lý lướt sóng khi thị trường nóng sốt, không đầu tư lâu dài chờ hạ tầng, anh vẫn kiên định mục tiêu mua rồi sang tay nhanh kiếm lời. Tuy nhiên mọi việc không như nhà đầu tư này tính toán, cơn sốt đất Téc Níc bị hạ nhiệt quá nhanh, chưa đến 2 tuần từ khi xuất hiện. Thời điểm anh vừa xuống cọc gần 1 tỷ đồng mua lô đất rừng cao su, chưa kịp kiếm người sang nhượng thì chính quyền vào cuộc, dân đầu tư “bỏ chạy” tập thể để lại anh với cả hecta đất rừng không biết bán cho ai cùng khoản tiền không cách nào rút ra được.
Câu chuyện làm sao thoát được hàng giờ thành bài toán khó với nhiều nhà đầu tư lao vào thị trường khi cơn sốt đất qua đi. Ảnh minh họa
“Thời điểm đó người ta tranh nhau mua đất, cứ lô đất nào trong bán kính 5km gần sân bay vừa rao bán ra là lập tức có nhà đầu tư nhảy vào cọc tiền ngay. Thấy người người tranh nhau thì mình cũng xuống cọc vì sợ chậm tay là mất đất. Giờ thoát không kịp, ôm lô đất bán lại ngang giá không ai mua, hủy hợp đồng thì mất cả tỷ đồng tiền cọc, mua vào thì tôi không đủ tài chính thanh toán chưa nói đến việc mua xong thì biết làm gì với đám đất này. Ngày ngày tôi lo lắng đến mất ăn mất ngủ, hối hận không còn kịp”, anh Quyền chia sẻ.
Thảm không thua anh Quyền, anh P.H một môi giới BĐS cho biết cũng vì tham mà bản thân chịu "thảm". Chia sẻ với Batdongsan.com.vn, anh Quyền cho biết, lúc đầu anh cũng chỉ tính môi giới bán đất qua lại nhưng trong cơn sốt đất, mỗi giao dịch sang nhượng kiếm lời hàng trăm triệu đồng khiến môi giới này chuyển qua trực tiếp làm nhà đầu tư, đứng ra mua lại các lô đất của nhà đầu tư khác rồi tự kiếm khách sang nhượng lại ăn chênh. Vài lô đất đầu trót lọt nhưng sau đó khi thị trường hết sốt, đất nắm trong tay nhiều bán không được, Bản thân anh H cũng phải vay mượn tứ phương mới đủ tiền để mua đất, hiện giờ áp lực trả lãi đang đè nặng lên vai anh khi số tiền kiếm được từ các thương vụ sang nhượng trước đó cũng bị anh đổ hết vào mua đất. "Giờ ôm cả đống đất mà không bán được thì chỉ có nước “cạp đất mà ăn”, vị môi giới kiêm đầu tư này cho hay.
Không ít nhà đầu tư F0 cũng vì đi theo sóng sốt đất, không những chẳng tìm thấy cơ hội làm giàu mà còn mất luôn cơ hội an cư. Có người liều mình ôm hết tiền tiết kiệm dành dụm cả chục năm mua nhà đi đầu tư đất và rồi giờ "mắc cạn". Anh Phạm Văn Kiên, nhân viên văn phòng tại một công ty giao nhận ở TP.HCM là một trong số những trường hợp đó. Vì mong muốn kiếm đủ tiền mua nhà, anh đã gom 1 tỷ đồng vợ chồng dành dụm đi đầu tư đất ở Đồng Nai. Thế nhưng mảnh đất anh mua không những chẳng tăng giá mà việc bán ra với giá gốc cũng khó khăn do không còn khách quan tâm. Anh Kiên có nguy cơ thiệt hại khoản tiền dự kiến mua căn chung cư vì theo môi giới giờ chỉ có bán cắt lỗ mới ra hàng nhanh được.
Sốt đất hạ nhiệt, giao dịch hạ theo
Theo báo cáo của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cơn sốt đất sôi sục khắp nơi đã khiến giá BĐS tăng chóng mặt, trung bình trong tháng 3/2021, giá đất tăng 10%. Cục bộ một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng. Tuy nhiên giá đất tăng không phải nhà đầu tư nào cũng hưởng lợi, nhiều người lao vào thị trường ngay tâm điểm sốt giá, không kịp thoát hàng nên rơi vào tình trạng mua đỉnh bán đáy.
Làn sóng tăng giá đất nền tại nhiều điểm nóng ở TP.HCM và các tỉnh lân cận đã dừng lại, nhu cầu giao dịch nhà đất hiện cũng giảm so với thời điểm tháng 3/2021
Cơn sốt đất nền đã bắt đầu "hạ nhiệt", ở một số điểm nóng không còn cảnh mua bán nhộn nhịp, sang tay ồ ạt như trước, giá cũng đã có dấu hiệu chững lại. Tại TP.HCM, các điểm nóng về đất như huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh hiện tại giao dịch đã giảm, không còn sôi động như tháng 3. Dù giá chào bán đang đi ngang nhưng lượng giao dịch chốt kèo bán ra thành công rất ít. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại một số tỉnh vùng ven như Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Các địa phương này đang ghi nhận một số giao dịch có giá chào bán thứ cấp đi ngang so với cuối năm 2020. Một số khu vực thậm chí có giá bán giảm từ 3-5% so với mức giá thời điểm tháng 3 trước đó. Tại Bình Phước, đất ở gần sân bay Téc Níc Hớn Quản được chào bán vào cuối tháng 4/2021 với giá giảm 40-50% so với khi sốt đất nhưng cũng không có mấy giao dịch thành công.
Nhận định về cơn sốt đất nền thời gian qua, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, lãi suất ngân hàng thấp, dịch Covid-19 đã khiến nhà đầu tư gần như không còn nhiều lựa chọn xuống tiền và nhà đất là một trong số ít kênh để mọi người nhắm đến. Ngoài ra, xu hướng giá “chỉ tăng không giảm” của BĐS cộng thêm những lời đồn thổi thông tin về quy hoạch, chia tách địa giới hành chính của các địa phương bị thổi phồng quá đà cũng khiến giá đất tăng và nhiều người đổ xô vào thị trường này.
Tuy nhiên theo ông Châu, cơn sốt vừa qua cũng chỉ xảy ra cục bộ ở một số khu vực chứ không phải trên diện rộng, phần lớn tập trung vào đầu cơ, lướt sóng mà ít hướng đến lâu dài. Chính vì vậy đối với những khu vực có hiện tượng tăng giá ảo, cắt cơn sốt đất đồng nghĩa với cắt đứt giao dịch và giá sẽ giảm mạnh. Khi giao dịch, nhà đầu tư cần kiểm tra và xác định dựa trên các giao dịch thực thay vì dựa trên các giá chào trên thị trường, không nên vội vàng, tránh tâm lý đám đông. Cần cân nhắc các yếu tố quan trọng về giá trị tài sản, cần so sánh, định giá và đánh giá đúng giá trị của lô đất. Những nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư dựa vào các đòn bẩy tài chính, cần thận trọng khi quyết định đầu tư.
[/tintuc]
Tags: tin-tuc
CHAT ZALO