[tintuc]
Thị trường BĐS mới ghi nhận sự chuyển biến tích cực trong quý 1/2021 giờ đã phải tạm dừng lại vì Covid-19 bùng phát. Nhiều kế hoạch bán hàng chuẩn bị trước đó của doanh nghiệp buộc phải thay đổi để thích ứng với tình hình mới.
Ảnh hưởng là điều khó tránh
“Không thể làm gì khác ngoài hủy các sự kiện mở bán đã lên trước đó” là lời chia sẻ của đại diện một doanh nghiệp BĐS đang có dự án nghỉ dưỡng triển khai tại Phan Thiết gần như là tiếng lòng chung của khá nhiều doanh nghiệp có dự án chuẩn bị ra mắt trong tháng 5. Trao đổi với Batdongsan.com.vn, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, theo kế hoạch từ đầu năm thì cuối tháng công ty sẽ tổ chức sự kiện bán hàng tập trung cho dự án căn hộ nghỉ dưỡng tại Phan Thiết. Để chuẩn bị cho đợt mở bán, công ty đã bắt đầu chạy thị trường từ cuối tháng 4. Chi phí bỏ ra để quảng bá, PR bán hàng hơn mấy tỷ đồng mà dịch bỗng bùng phát trở lại, BGĐ phải "cắn răng" quyết định hủy sự kiện, dời sang giai đoạn sau dịch (có thể là tháng 6 hoặc tháng 7).
Các kế hoạch bán hàng trực tiếp buộc phải hoãn lại vì Covid-19 bùng phát khiến nhiều doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn và chịu thiệt hại. Ảnh minh họa 
“Hủy bán hàng đồng nghĩa với tất cả các chi phí bỏ ra để chạy truyền thông trước đó xem như công cốc, đổ sông đổ bể công sức của cả một ekip và thiệt hại về tài chính không ít. Sau khi hết dịch mà mở bán trở lại, chúng tôi vẫn phải bỏ ra chi phí chạy truyền thông từ đầu, xem như là chi ra gấp đôi so với dự toán nhưng không thể làm gì khác hơn”, vị này cho hay.
Cùng hoàn cảnh phải hủy các kế hoạch bán hàng vì dịch bệnh, anh P.M.H, giám đốc kinh doanh một công ty BĐS lớn tại TP.HCM cho biết, dự án đô thị nghỉ dưỡng biển tại Cam Ranh doanh nghiệp anh đang triển khai buộc phải chuyển đồi từ bán hàng trực tiếp sang online. Khi dịch bệnh bùng phát, thị trường phản ứng lại khá nhanh do đã có kinh nghiệm ứng phó, tuy nhiên nhanh không có nghĩa là không thiệt hại. “Bất động sản nghỉ dưỡng luôn chịu thiệt nhiều nhất khi có dịch. Nếu đất và căn hộ vẫn có khách bằng hình thức bán vì người mua ở thực không mấy chịu ảnh hưởng tâm lý dịch thì bất động sản nghỉ là sản phẩm đầu tư, khi thị trường có biến khách hàng gần như ngưng việc đầu tư, chưa nói BĐS nghỉ dưỡng cần đi xa để xem sản phẩm. Dịch bệnh khiến việc phải di chuyển xa, nhất là đến các thị trường du lịch trở nên nguy hiểm. Chúng tôi có thể dùng cách bán hàng online nhưng hình thức này chủ yếu là giúp quảng bá và duy trì tương tác với khách. Để chốt hợp đồng online không dễ”, anh H. chia sẻ.
Sau gần 2 tháng bình yên, cuối tháng 4 vừa qua Việt Nam chứng kiến sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19, diễn biến lần này được nhận định là phức tạp và nguy hiểm hơn trước đây khi biến chủng mới có tỷ lệ lây lan cao. Trước tình hình trên, các hoạt động kinh doanh, nhất là ngành BĐS chịu nhiều ảnh hưởng. Tuy đã có kinh nghiệm từ sau 3 lần ứng phó với sự tấn công của dịch bệnh, doanh nghiệp BĐS cũng đã thích ứng và lên trước các kịch bản phòng tránh dịch nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro và thiệt hại nhưng ảnh hưởng đến thị trường là không tránh được.
Doanh nghiệp chủ động hơn với tình hình dịch bệnh Không mang suy nghĩ bi quan, hầu hết các doanh nghiệp BĐS đều có chung nhận định, thị trường vẫn rất tích cực và tìm cách thích ứng với tình hình dịch bệnh. Tâm lý bi quan hay lo lắng thị trường “mất lửa” vì dịch hầu như không xuất hiện.
Trao đổi với Batdongsan.com.vn, đại diện Công ty BĐS Kim Oanh cho biết, doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động bình thường trong tình hình dịch. Dù tránh tiếp xúc trực tiếp với khách hàng nhưng doanh nghiệp này sẽ tập trung khai thác và đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng thông qua các kênh trực tuyến, kết hợp mở bán online tại thị trường có dịch và vẫn duy trì hình thức bán truyền thông ở các thị trường chưa có dịch cho đến khi có thông báo mới.
Hầu hết các doanh nghiệp BĐS đều có sự chuẩn bị trước cho tình trạng dịch bệnh sẽ tác động lâu dài đến thị trường, có thể là đến hết quý 2/2021. Ảnh minh họa 
Cũng tính trước các phương án hoạt động trong mùa dịch, bà Hương Nguyễn, TGĐ Công ty BĐS Đại Phúc Land cho biết, khi có thông tin bùng dịch ở các quốc gia lân cận, doanh nghiệp đã đẩy nhanh việc tập trung bán hàng trực tiếp trong 4 tháng đầu năm. Ngoài ra doanh nghiệp này cũng lên kế hoạch cho kịch bản xấu nhất là dịch sẽ kéo dài trong vài tháng tới. “Khi Việt Nam tái bùng dịch, chúng tôi đã chuẩn bị xong các phương án sử dụng công nghệ để không gián đoạn quá trình bán hàng các sản phẩm mình đang triển khai”, bà Hương Nguyễn cho hay.
Chia sẻ về thị trường BĐS trong thời điểm này, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực TP.HCM cho rằng, xu hướng chững lại của thị trường khi Covid-19 xuất hiện là điều bình thường. Tuy nhiên lần này dường như các chủ đầu tư đã chuẩn bị sẵn kịch bản khi dịch bùng phát, thậm chí các phương án để tiếp thị và bán hàng cả khi giãn cách xã hội. Nhiều doanh nghiệp có cái nhìn dài hạn hơn thậm chí đã áp dụng công nghệ để bán hàng từ 1 năm trước đó. “Họ phản ứng kịp thời và nhanh khi có dịch xảy ra. Ngoài việc chia nhỏ hoạt động mở bán thông qua các đợt bán hàng riêng rẽ, sử dụng App để bán hàng và chuyển dần sang các nền tảng online thay vì phụ thuộc quá nhiều vào offline như trước đây”.
Bên cạnh đó, ông Đinh Minh Tuấn cho rằng, tâm lý vững hơn sau mỗi lần dịch của người mua nhà đang giúp thị trường giữ được sự tích cực. Dữ liệu lớn từ Batdongsan.com.vn cho thấy, khi dịch bùng phát nhu cầu tìm kiếm nhà đất luôn giảm rất mạnh, có thể nói là chạm đáy nhưng ngay khi kiểm soát được tình hình, thị trường sẽ bật tăng vô cùng mạnh mẽ, giống như lò xo bị nén sẽ tự động bung mạnh khi thị trường phục hồi. Ví như thời điểm tháng 2/2021 vừa qua, khi dịch bùng phát nhu cầu tìm kiếm BĐS giảm 50-100% so với cuối năm 2020. Tuy nhiên đến đầu tháng 3 khi dịch kiểm soát thành công, mức độ quan tâm BĐS bật tăng mạnh lên đến 378%. Điều này là minh chứng rõ nhất nhu cầu dành cho BĐS vẫn luôn vô cùng lớn.
[/tintuc]
Tags: tin-tuc
CHAT ZALO