[tintuc] Huyện Cần Giờ, TP.HCM cách trung tâm 50km, tách biệt với các địa phương khác. Bao năm nay, đường đến huyện là phà Bình Khánh độc đạo, người dân nơi đây mong mỏi cầu Cần Giờ được xây dựng để thôi cảnh “qua sông lụy phà”.
Hướng tuyến xây dựng cầu Cần Giờ dự kiến băng qua nhiều khu vực lau lách, có nhiều dừa nước, cây đước, sông Soài Rạp, sông Chà và gần với dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành - Ảnh: CHÂU TUẤN
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ngày 13-11 đã trao đổi với người dân huyện Cần Giờ dự kiến trình HĐND TP.HCM dự án cầu Cần Giờ trong tháng sau. Thông tin này làm nức lòng người dân, sau nhiều năm mong đợi một cây cầu thuận lợi cho việc đi lại.

Dự án cầu Cần Giờ đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM vào ngày 9-5-2017. Thủ tướng giao UBND TP.HCM cập nhật các công trình bổ sung vào các quy hoạch liên quan và triển khai đầu tư theo quy định.
Dự kiến tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 7,3km, tốc độ thiết kế 60km/h. Quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp.
Đến nay, TP.HCM dự kiến thực hiện dự án bằng hình thức đối tác công tư (PPP), với tổng mức đầu tư khoảng 9.000 tỉ. Dự án sẽ cố gắng khởi công trước hoặc trong dịp 30-4-2025, chào mừng 50 năm Ngày thống nhất đất nước.
Phóng viên Tuổi Trẻ đi hàng chục km để qua hướng tuyến cầu Cần Giờ:
Hướng tuyến cầu Cần Giờ được UBND TP.HCM lựa chọn và được Thủ tướng chấp thuận bổ sung trong quy hoạch giao thông vận tải của TP.HCM - Đồ họa: Theo báo cáo quy hoạch xây dựng cầu Cần Giờ
Nhiều năm qua, người dân từ các quận huyện ở TP.HCM muốn đến huyện Cần Giờ chỉ có thể đi qua đường Huỳnh Tấn Phát, phà Bình Khánh. Tuy nhiên, tình trạng ùn ứ xe cộ ở phà này ngày càng trở nên căng thẳng, đặc biệt vào các dịp nghỉ lễ - Ảnh: ĐỨC PHÚ
Việc xây dựng các cây cầu kết nối với huyện Cần Giờ được người dân rất mong mỏi. Trong ảnh là điểm đầu tiên của dự án xây dựng cầu Cần Giờ, nằm trên đường 15B, khu dân cư Phú Xuân (huyện Nhà Bè) hướng về đường Nguyễn Bình - Ảnh: LÊ PHAN
Sau đó, cầu Cần Giờ sẽ vượt qua đường Nguyễn Bình (huyện Nhà Bè) hướng thẳng ra phía sông Soài Rạp. Tại đường Nguyễn Bình, dự kiến sẽ có các đường kết nối lên cầu - Ảnh: ĐỨC PHÚ
Tiếp tục hướng tuyến của cầu Cần Giờ chạy băng qua sông Soài Rạp, thẳng về phía cù lao có nhiều dừa nước, cây đước - gần với cầu dây văng Bình Khánh (thuộc dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành) - Ảnh: LÊ PHAN
Băng qua cù lao xanh ngắt, cầu Cần Giờ sẽ đến sông Chà. Đây là một luồng giao thông đường thủy quan trọng để tàu thuyền đi từ Cần Giờ ra hướng Đồng Nai - Ảnh: ĐỨC PHÚ
Sau khi băng qua sông Chà, cầu Cần Giờ hướng về phía đường Rừng Sác. Hiện trạng nơi này là các ao nuôi thủy sản, dọc hai bên có đường dây điện cao thế - Ảnh: LÊ PHAN
Điểm cuối dự án sẽ kết nối vào đường Rừng Sác tại điểm cách bến phà Bình Khánh khoảng 2,5km - Ảnh: CHÂU TUẤN
Sát khu vực điểm cuối cũng có dự án Bến Lức - Long Thành đang xây dựng - Ảnh: CHÂU TUẤN
Trong ảnh (lần lượt từ trái qua) là đường 15B (điểm đầu), đường Nguyễn Bình, đường mòn nối từ bờ sông Chà ra điểm cuối là đường Rừng Sác - Ảnh: CHÂU TUẤN
Giải pháp thiết kế cầu Cần Giờ sẽ theo kiểu cầu dây văng, trụ tháp hình cây đước, chiều cao tháp 230m tính từ bệ trụ - Đồ họa: Theo báo cáo quy hoạch xây dựng cầu Cần Giờ
Theo tuoitre.vn [/tintuc]
Tags: tin-tuc
CHAT ZALO